Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum
9-12-2024
Cuối năm 1930, phong trào cách mạng trong nước bị chính quyền thực dân ra sức đàn áp khủng bố ác liệt, hàng loạt chiến sĩ cộng sản bị bắt và giam cầm ở nhiều nhà tù do thực dân Pháp lập ra ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có Ngục Kon Tum.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum
CT
Cuối năm 1930, phong trào cách mạng trong nước bị chính quyền thực dân ra sức đàn áp khủng bố ác liệt, hàng loạt chiến sĩ cộng sản bị bắt và giam cầm ở nhiều nhà tù do thực dân Pháp lập ra ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có Ngục Kon Tum. Tại Ngục Kon Tum những năm 1930-1933, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị nhằm mục đích: Lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, dân cư thưa thớt để cách ly tư tưởng cộng sản của họ với các trung tâm đô thị và đồng bằng; giết dần, giết mòn những người tù cách mạng mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án. Đồng thời, sử dụng triệt để sức lao động của tù nhân làm đường 14-con đường chiến lược quan trọng nối từ miền Đông Nam bộ qua Tây Nguyên đến Quảng Nam-Đà Nẵng, nhằm phục vụ cho công cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa lần thứ II của chúng ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

(Nhà Lao Kon Tum năm 1930)
Đoàn tù chính trị đầu tiên gồm 150 người từ nhà lao Vinh (Nghệ An) được đưa lên giam ở Ngục Kon Tum (tháng 12-1930) và sau đó, từ tháng 01-1931 đến tháng 4-1931, có ba đoàn tù chính trị cộng sản nữa từ nhà lao Vinh, Hà Tĩnh, Nha Trang lần lượt bị đày lên Kon Tum, nâng tổng số tù lên tới 295 người. Tất cả số tù chính trị này bị thực dân Pháp đưa ngay lên Đăk Pao (thuộc địa bàn huyện Đăk Glei hiện nay) để làm đường. Trên đường dài hàng trăm cây số, đoàn tù chính trị phải leo đèo, vượt suối, đi bộ nhiều ngày, mang nặng tư trang, dụng cụ, lại bị đòn liên miên của bọn lính. Người tù nào yếu đau nặng không đi nổi, chúng bắn chết dọc đường.
Thực dân đã biến con đường 14 trở thành “con đường máu”, là “mồ chôn” của những người tù chính trị. Công việc trên công trường làm đường rất nặng nhọc, mỗi ngày lao công không dưới 10 tiếng đồng hồ, buổi trưa không được nghỉ ngơi, buổi tối nghỉ không đủ giấc, chân trong cùm, ăn uống kham khổ, đói khát. Vì điều kiện sống và lao động như thế nên tù nhân kiệt sức, bệnh tật nhiều, thuốc thang không có, còn bị bọn lính đánh đập tàn nhẫn. Do đó, số tù nhân chết ngày một nhiều. Từ tháng 12-1930 đến tháng 5-1931, chỉ trong 6 tháng làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pét đã có tới 150 người trong số 295 người tù chính trị bị chết một cách thê thảm, số còn lại chỉ là da bọc xương. Đoạn đường này được những người tù ví như địa ngục trần gian.
Tháng 6-1931 khi mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa tù chính trị về thị xã để giam giữ và lao động khổ sai tại đó. Cũng trong tháng 6-1931, thực dân Pháp lần lượt đưa các đoàn tù chính trị khác từ Huế và Quy Nhơn lên, nâng tổng số tù nhân bị giam tại Ngục Kon Tum là 200 người.
Đứng trước cái chết đang đón đợi phía trước, những người tù chính trị đã phải tìm cho mình một con đường sống. Dù họ biết rằng, con đường sống đó cũng có thể phải trả giá bằng chính sự sống của bản thân cũng như của anh em đồng chí. Song họ suy nghĩ và hy vọng: “Sau khi ta chết rồi, họa may mấy trăm anh em mới còn phương sống” như lời một người tù chính trị tâm sự trước khi bước vào cuộc đấu tranh. Trong cảnh tù ngục, những người tù chính trị đã chuẩn bị cho mình những phương thức đấu tranh mà mình có thể thực hiện được. Họ đã thành lập ban lãnh đạo nhà lao, đội cảm tử và quyết tử, tích cực hoạt động, tuyên truyền, vận động, giác ngộ Nhân dân và binh lính, làm cho họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về người tù chính trị. Quần chúng nhân dân thị xã Kon Tum vô cùng khâm phục tinh thần bất khuất anh dũng của tù chính trị. Tình cảm của đồng bào với tù nhân cộng sản trở nên thân thiết. Thái độ và hành động đối xử của binh lính người Việt đối với tù nhân cũng khác hơn trước. Một số anh em lính bắt đầu chống lại bọn chỉ huy, họ đứng về phía tù nhân khi bọn chỉ huy bắt tù nhân đi làm ngày chủ nhật hoặc đàn áp người tù.
Đầu tháng 7-1931, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ (người sáng lập chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum) ra giam giữ ở Lao ngoài. Ở Lao ngoài, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau, được đồng chí Ngô Đức Đệ thông báo tình hình tù nhân làm đường, sự đàn áp, đày đọa tù nhân của địch, tình hình của chi bộ binh, chi bộ đường phố... nên họ đã nhanh chóng hình thành ban lãnh đạo chung với sự phân công cụ thể cho từng thành viên như một số đồng chí làm nhiệm vụ xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức, một số đồng chí lo việc nghiên cứu kế hoạch đấu tranh, đề ra yêu sách, tuyên ngôn, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai. Ban lãnh đạo chung của tù nhân nhất trí hạ quyết tâm: “Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo” . Mục tiêu đấu tranh là đòi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ giết người dã man đối với tù chính trị.
Có mục tiêu, có tổ chức, kinh nghiệm đấu tranh của một tập thể tù nhân khoảng 200 người giờ đây đã dày dạn hơn, khôn khéo hơn. Nhiều cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra, trong đó có cuộc đấu tranh lưu huyết phản đối việc bắt tù chính trị đi làm con đường 14 lần thứ 2 tại Đăk Pét.
Đầu tháng 12/1931, Ban lãnh đạo chung của tù nhân biết được tin địch chuẩn bị đưa tù nhân đi làm đường ở Đăk Pét. Tất cả tù nhân đã sẵn sàng đối phó. Sáng ngày 12-12-1931, với âm mưu định sẵn, bọn cầm quyền phân tán anh em tù đi làm các nơi nhằm xé lẻ đội ngũ tù, còn khoảng 40 người, chúng ra lệnh quay về phòng lấy quần áo để đi Đăk Pét. Trong số đó, có bốn đồng chí là thành viên Ban lãnh đạo nhà tù (Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ) và cả 40 tù nhân này đều là thành viên của đội cảm tử, quyết tử. Cuộc đấu tranh bắt đầu. Tất cả 40 tù nhân chạy vào phòng giam khóa chặt cửa lại và đồng thanh hô các khẩu hiệu “Nhất định không đi Đăk Pét”, “Phản đối đi Đăk Pét”, “Phải bãi bỏ chế độ bắt tù chính trị đi làm đường”, “Bãi bỏ chế độ đánh đập, bắt giết tù”... Đồng chí Nguyễn Huy Lung (số tù 299) thay mặt anh em trả lời tên đội Mulê (Moulet) lý do không đi Đăk Pét: “Lần trước bị hãm hại một cách rất tàn ác, anh em chúng tôi chết hai phần ba. Bây giờ bắt chúng tôi đi nữa cho chết hết hay sao ?”.
Sau đó, công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Trong lao, anh em vẫn hô vang các khẩu hiệu và xiết chặt hàng ngũ, đứng sắp hàng trước cửa lao, dùng gậy gộc đã chuẩn bị trước chống lại, không cho bọn địch vào lao để bắt từng người đưa đi. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em trong nhà lao đồng thanh trả lời: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pét”. Nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Trương Quang Trọng (số tù 303) đang đứng ở hàng đầu đã phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “Le voici” (nó ở đây). Tên Mulê lập tức bóp cò, đồng chí Trọng anh dũng hi sinh.
Hành động anh dũng chết thay cho đồng đội của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người không gớm tay của bọn thực dân Pháp đã thôi thúc anh em đấu tranh quyết liệt hơn, sẵn sàng đương đầu với súng đạn. Bọn địch đã điên cuồng nã đạn xối xả vào các anh em tù. Cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị đã bị kẻ thù tàn sát đẫm máu làm 8 người chết, 8 người bị thương.
Sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội hi sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Sau lễ truy điệu, anh em tù đã có ngay bài nói chuyện tuyên truyền cho binh lính ngay tại sân nhà lao.
Chiều ngày 13-12-1931, bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân được chuẩn bị và dịch ra tiếng Pháp, tiếng dân tộc địa phương. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp, đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo này. Yêu sách của anh em tù nhân có sáu điểm:
- Một là, phải thừa nhận và áp dụng chế độ tù ở Kon Tum cũng như các nơi khác;
- Hai là, bãi bỏ ngay chế độ hành dịch khổ sai;
- Ba là, bỏ hẳn chế độ đánh đập, bắn giết, còng cùm và các hình phạt ác nghiệt đối với tù nhân;
- Bốn là, cải thiện chế độ ăn uống của tù nhân;
- Năm là, lúc tù nhân đau ốm phải được đưa đi bệnh viện, được nghỉ ngơi và chăm sóc;
- Sáu là, tù nhân được đọc sách báo, viết thư về gia đình một tháng một lần, được nhận thư từ, ngân phiếu, bưu kiện của gia đình gửi tới, được tiếp người nhà đến thăm.

(Ngôi một tập thể các chiến sĩ cách mạng hi sinh trong cuộc đấu tranh tại Ngục Kon Tum)
Cuộc đấu tranh của anh em tù ngày càng sôi sục. Tù chính trị đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối bắn giết. Sáng ngày 16-12-1931, bọn thực dân Pháp một lần nữa nã súng và lựu đạn để đàn áp cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 07 đồng chí hy sinh và 08 đồng chí bị thương. Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí.
Sau cuộc đấu tranh này, có 50 người là tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm được thả về. Tuy cuộc đấu tranh bị tàn sát đẫm máu, nhưng với tinh thần anh dũng hy sinh, ý chí quật cường cách mạng của các chiến sĩ cộng sản, buộc nhà cầm quyền Pháp phải nhượng bộ từng bước như: Thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14. Tháng 4-1934, thực dân Pháp phải bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
Cuộc đấu tranh đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới biết rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của bọn thực dân xâm lược.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ cộng sản trước vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị bọn thực dân tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả mang lại rất to lớn, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Và nhất là từ bỏ việc xây dựng con đường 14, đóng cửa và giải tán bộ máy nhà Ngục Kon Tum-lò giết người cộng sản vào năm 1934… Điều này đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và Nhân dân các dân tộc nơi đây.
Lịch sử Kon Tum đã ghi nhận một sự kiện gây chấn động đối với bọn thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương, đó là Cuộc đấu tranh đẫm máu giữa những người tù chính trị với bọn thực dân, tay sai diễn ra trong hai ngày (12 và 16/12/1931) tại Nhà ngục Kon Tum, khiến 15 đồng chí hy sinh và 16 đồng chí bị thương.
Sự kiện này xuất phát từ việc "phản đối đi Đăk Pét" của những người tù chính trị. Khi thực dân Pháp ở Kon Tum lần thứ 2 bắt ép những người tù chính trị lên công trường Đăk Pét - nơi mà các đồng chí Ngô Đức Đệ, Lê Văn Hiến đã ví như “Địa ngục của trần gian”. Chỉ trong vòng 6 tháng ngắn ngủi làm đoạn đường 15 km tại Đăk Pao, Đăk Pét, đã có 150 trong số 295 tù chính trị bị chết thảm, số còn lại chỉ còn là da bọc xương. Sự đối xử tàn ác của thực dân Pháp và tay sai đối với tù chính trị trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét là vô cùng tàn ác, vô nhân tính. Việc “phản đối đi Đăk Pét” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Cuộc đấu tranh, song nó không chỉ là cuộc đấu tranh phản đối đơn thuần của gần 200 anh em tù nhân khi phải đứng trước hoàn cảnh bị bắt đi lao động khổ sai. Nguyên nhân sâu xa của cuộc đấu tranh chính là sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo của những người tù chính trị, người cộng sản đứng trong hàng ngũ Đảng và đã có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ở các địa phương trước đó. Cuộc đấu tranh có kế hoạch, có mục đích, mục tiêu, phương pháp và phương châm rõ ràng. Nên có thể nói, Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum là cuộc đấu tranh giữa tinh thần yêu nước, mà những người cộng sản làm tiên phong dưới ánh sáng soi đường của Đảng để chống lại kẻ thù xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí. Các tù nhân còn lại vẫn bị chúng đưa lên tiếp tục làm đường Đăk Pao, Đăk Pét. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sỹ Cộng sản trước mũi lê, hòn đạn kẻ thù và nó đã mang lại ý nghĩa lịch sử to lớn:
Cuộc đấu tranh là một sự kiện lớn, gây chấn động đối với bọn thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương. Lần đầu tiên, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum chứng kiến một cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người tù chính trị bị xiềng xích, gông cùm với bọn thực dân, tay sai có trong tay dư thừa súng đạn. Đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của những người tù Cộng sản. Càng hiểu rõ hơn về những người Cộng sản, càng hiểu hơn về Đảng. Nhân dân Kon Tum càng tình nguyện theo Đảng để giành độc lập, tự do. Từ sự kiện này, nhiều binh lính trong hàng ngũ địch đã ngã theo về phía cách mạng.
Đây là Cuộc đấu tranh khiến bọn thực dân Pháp ở Đông Dương phải thay đổi chế độ đối xử với tù chính trị không chỉ ở Kon Tum, mà còn ở các nhà tù khác trên toàn cõi Đông Dương. Địch phải chấp nhận gần như toàn bộ các yêu sách của anh em tù chính trị, nhất là yêu sách đòi bãi bỏ việc đánh đập tù nhân, thừa nhận chế độ tù chính trị.
Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở Kon Tum đã có tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về tự do công lý và nhân phẩm con người; ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các nhà lao, nhà đày ở trong nước, trước hết là Nhà đày Buôn Ma Thuột. Nước Pháp bị dư luận phản đối, lên án làm cho uy tín bị giảm. Chính phủ Pháp lo sợ, tìm cách đối phó, xoa dịu, nên đã có nhiều sự thay đổi, nhượng bộ như: bãi bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men… Năm 1932, chúng không đưa tù nhân ở đồng bằng lên Nhà đày Kon Tum nữa. Mùa mưa năm 1932, chúng đưa 110 tù nhân từ Đăk Pét trở về thị xã Kon Tum. Đầu năm 1933, chúng tiếp tục đưa tù nhân từ Vinh, Quảng Nam lên Kon Tum, nhưng không đưa đi làm đường 14 như trước. Năm 1934, thực dân Pháp buộc phải bỏ hẳn Nhà đày Kon Tum và dồn tất cả tù chính trị về Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đó chính là minh chứng cho sự thất bại của kẻ thù trước sự đấu tranh anh dũng, bền bỉ của các chiến sỹ  tù Cộng sản và Nhân dân các dân tộc Kon Tum.

(Giấy chứng nhận ngục tù Kon Tum trở thành Di sản văn hóa)
Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum còn là sự kiện gây ảnh hưởng rất lớn đến phòng trào cách mạng, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum về sau. Tinh thần, khí phách của những chiến sỹ cộng sản tại Ngục Kon Tum “chết cho sự sống, chết một người để cứu sống muôn người” chính là ngọn lửa thôi thúc trong lòng những người con trên mảnh đất Kon Tum, với các thế hệ quên mình trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh. Những anh hùng, liệt sỹ như Đinh Văn Gió, A Dừa, A Xâu, A Mét, Y Buông… đã nối gót các bậc cha chú như Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Đặng Thái Thuyến… trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc.
 
 
Thanh Thảo  
Số lượt xem:53